Những đỉnh cao trong thời khó khăn
Trước Cách mạng tháng Mười, trong khi những nhà tư tưởng Nga chưa ngã ngũ liệu nên bắt chước phương Tây (phái zapadnik) hay giữ nguyên cốt cách slavơ
(phái slavjanofil), giới khoa học tự nhiên không có gì phải băn khoăn xem khoa học phương Tây như con
đường độc đạo, con
đường do chính Pierre đại đế vạch ra trước đó hàng thế kỷ. Nhờ đó nước
Nga đã xác lập được những vị trí nổi bật trên mặt tiền khoa học thế giới. Nhiều
cột mốc tri thức lớn của nhân loại đã gắn tên người Nga như hệ thống tuần hoàn
các nguyên tố hóa học Mendeleev (1834-1907), thủy khí động học do N. Y.
Zhukovski (1847-1921) khởi xướng, hình học Lobachevsky (1792-1856), phản xạ có
điều kiện với I. P. Pavlov (1849-1936), và bao nhiêu thành tựu khác. I. P.
Pavlov là người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel về Y học năm 1904.
Nhưng trên dải đất mênh mông ấy, khoa học tự nhiên lúc bấy giờ vẫn chỉ là những ốc đảo thưa thớt, chưa đủ sức tạo nên một diện mạo để người Nga có thể đoạn tuyệt với nỗi mặc cảm trước phương Tây vốn xem nước Nga như một miền biên viễn phương Đông lạc hậu. Có lẽ,
phương Tây kính nể nước Nga nhiều hơn về văn học, nghệ thuật qua những tên tuổi
mà họ hằng ngưỡng mộ như Dostoevski, Tolstoi, Tchaikovski...
Cách mạng Bôn sê vích vẫn chưa thể thay đổi ngay tình thế. Một mặt, chính quyền Xô Viết ý thức rất
rõ vai trò của khoa học đối với sự sống còn của chế độ trước sự phong tỏa của
phương Tây vốn mạnh hơn hẳn về kỹ thuật lại luôn lo sợ cách mạng vô sản sẽ lan
ra khắp thế giới. Mặt khác, và cũng chính trong bối cảnh ấy, chính quyền Xô
Viết phải làm sao nhanh chóng xây dựng đội ngũ khoa học của giai cấp công nhân.
Việc này không dễ, bởi chính Lê nin đã ý thức rất rõ “cái tôi” quan trọng như
thế nào đối với người trí thức khi ông viết những dòng sau đây:
“Vũ khí của người trí thức chính là sự hiểu biết của cá nhân họ, những năng lực và niềm tin của cá nhân họ. Họ chỉ nhờ vào những phẩm chất cá nhân
nên mới có thể đóng được một vai trò nào đó trong xã hội. Vì thế đối với họ
quyền được hoàn toàn tự do biểu hiện bản chất cá nhân của mình là điều kiện đầu
tiên để công tác được kết quả. Với tư cách là một bộ phận trong toàn thể, họ
chỉ phục tùng toàn thể đó một cách miễn cưỡng, phục tùng vì bắt buộc chứ không
phải tự nguyện...(V. I. Lê nin Toàn tập tiếng Việt, NXB Tiến bộ, 1979, tập 8,
tr. 373). Lê nin đã nói thế có nghĩa là xây dựng đội ngũ trí thức tinh hoa của giai
cấp công
nhân theo kiểu
“đồng phục” là không dễ, hay đúng hơn, không thể. Trong giới tinh hoa Nga một số không ít
đã bỏ nước ra đi. Họ sang phương Tây lập nghiệp, nhiều người sau này rất thành
đạt trong nghệ thuật và khoa học. Số đông ở lại, phần lớn do tự giác bởi sự hấp
dẫn của lý tưởng cộng sản, hoặc bởi ánh hào quang Nga mà họ luôn tôn thờ. Đương
nhiên, những lực lượng mới ngày càng đông đảo sẽ lớn lên từ trong lòng chế độ
Xô Viết. Nhưng không ít nhà khoa học nổi tiếng Liên Xô vẫn đứng ngoài Đảng.
I. P. Pavlov không bỏ quê hương ra đi, mặc dù ông công khai phản đối chế độ
cộng sản, phản đối việc Nhà nước nắm giữ mọi tư liệu sản xuất và quyền phân
phối sản phẩm. Trước những người có quyền lực, ông luôn thể hiện con người độc
lập của mình. Khi viết thư cho các vị đứng đầu Nhà nước, ông bắt đầu bằng:
“Kính thưa Ngài ...” (Uvajaemi Gaspadin ...) thay vì kính thưa đồng chí
(Uvajaemi tavarich), như mọi người khác dưới thời Xô Viết. Biết I. P. Pavlov
không thích chế độ, nhưng ngay từ năm 1921 Lê nin với chủ kiến tôn trọng cáí
tôi của một trí thức lớn vẫn ký một sắc lệnh đặc biệt, hứa bảo đảm mọi điều
kiện làm việc cho nhà khoa học, sau đó xây dựng một phòng thí nghiệm riêng cho
ông nghiên cứu. Về phần mình, I. P. Pavlov vẫn hết lòng phụng sự nước Nga và
không gây phiền phức cho chính quyền. Mãi đến gần cuối đời, năm 1935, trong
diễn văn chào mừng Đại hội sinh lý học toàn thế giới lần thứ 15 tổ chức ngay
trong điện Kremlin, I. P. Pavlov vẫn công khai nghi ngờ sự thành công của mô
hình Nhà nước Liên Xô: “... Các Ngài đến đây còn để chứng kiến một thí nghiệm
với quy mô cực lớn, mà người làm thí nghiệm lại chính là Nhà nước Xô Viết...”. Cách
mạng Bôn sê vích xảy ra cùng lúc với cuộc đại công kích vào cấu trúc vi mô của vật
chất với ba đột phá lớn: Hạt nhân nguyên tử (1911), Thuyết tương đối (1905,
1915) và Thuyết lượng tử (1920). Đi tiên phong trong cuộc đột phá này là những
nhà khoa học ở Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ. Ba lò tri thức danh tiếng
nhất lúc này là Copenhagen với vị tư lệnh thuyết lượng tử N. Bohr, Đại học
Cambridge, nơi có vị tổ sư hạt nhân nguyên tử Rutherford, và Đại học
Goettingen, cái nôi của toán học và vật lý hiện đại, một lò sản sinh ra Nobel
(đến nay đã có cả thảy 45 người đoạt giải). Nước Nga hầu như đứng ngoài cuộc.
Sau cách mạng lại càng rơi vào tình trạng bị cô lập hơn. Năm 1929, khi thuyết
lượng tử đã rõ hình hài, L. Landau, 21 tuổi, được sang Copenhagen bằng học bổng Rockfeller. Tại đây,
sau khi tiếp xúc với những ngôi sao từ nhiều nước phương Tây quây quần quanh N.
Bohr, L. Landau phải thốt lên “ôi, các cô gái xinh đẹp đều đã lấy chồng!”.
Không còn cơ may tham gia xây dựng nền móng vật lý mới, ông trở về Nga lập ra
trường phái lý thuyết Liên Xô, đào tạo bao nhiêu môn đệ nổi tiếng có mặt trên
khắp các mặt trận vật lý xung yếu nhất, để lại mấy giải Nobel và pho sách “gối
đầu giường” cho những ai muốn chuyên sâu về vật lý trên khắp thế giới. P.
Kapitsa sang Đại học Cambridge
từ 1921. Tại đây ông sớm trở thành lãnh đạo một phòng thí nghiệm và trợ thủ đắc
lực cho Rutherford. Sau lần về thăm nhà và
không trở lại Cambridge, ông được Rutherford gửi tặng cả phòng thí nghiệm để tiếp tục những
công trình nghiên cứu dang dở của mình. Kapitsa tổ chức ra viện nghiên cứu
“Những vấn đề vật lý” và trường Đại học Vật lý kỹ thuật, lò đào tạo chuyên gia,
niềm mơ ước của những tài năng trẻ thời Liên Xô. Đứng đầu trường phái vật lý
thực nghiệm Liên Xô về nhiệt độ thấp, từ trường mạnh, sóng siêu cao tần, ông
đoạt giải Nobel năm 1987. Khi Landau vào tù năm 1938 do bị tình nghi làm
gián điệp cho Đức, P. Kapitsa đã gửi thư cho J. Stalin đứng ra bảo lãnh và yêu
cầu trả tự do vì “nếu thiếu Landau, Liên Xô không thể tiến hành các nghiên cứu
về siêu chảy được”. Thành tựu khoa học Liên Xô còn được ghi nhận qua nhiều
phát minh đoạt giải Nobel về vật lý (12 người), hóa học (1 người), kinh tế học
(1 người) và ba giải Fields về toán học. Vào hai thập kỷ 1950-1960 nền
khoa học Liên Xô đạt đến tột đỉnh vinh quang với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên
trên thế giới (1954), vệ tinh (sputnik) đầu tiên (1957) và con người đầu tiên
bay lên vũ trụ (1961). Liên Xô cũng dẫn đầu trong nghiên cứu phản ứng nhiệt
hạch, nguồn năng lượng vô tận trong mặt trời và bom khinh khí, phát minh ra máy
phát lượng tử (laser) cùng với một người Mỹ, đoạt giải Nobel năm 1964. Đó chỉ
là phần nổi bên trên một lực lượng khoa học hùng hậu xoay quanh những trường
phái khoa học rất có uy tín trên thế giới. Những thành tựu này đã làm chấn động
phương Tây, người ta đánh dấu hỏi về nguyên nhân nào đã dẫn đến những chuyện
bất ngờ này. Nhiều nơi đã tiến hành cải tổ giáo dục để không bị Liên Xô vượt
lên trước. Có thể nói mô hình kế hoạch hóa tập trung trong khoa học
đã mang lại hiệu quả trong thời chiến tranh và đưa Liên Xô lên những đỉnh cao
vào hai thập kỷ 1950-1960. Nhưng liệu mô hình ấy sẽ đứng vững bao lâu trong
cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh và chung sống hòa bình với phương
Tây? Nhiều bom nguyên tử hơn Mỹ, sức đẩy tên lửa mạnh hơn, nhưng mức sống người
dân không được cải thiện để minh chứng cho thế giới thấy rõ tính ưu việt của
chế độ XHCN. Để chiếm thế thượng phong trong cuộc chạy đua vũ trang, khoa học Liên Xô buộc phải xoay quanh trục quốc phòng. Sau chiến tranh, giới lãnh đạo nắm “hầu bao” ở các nước
đã thức tỉnh ra rằng cần phải hết sức hào phóng với những nghiên cứu cơ bản -
vốn chỉ để thỏa mãn trí tò mò của con người về thế giới tự nhiên - mà không cần phải bận tâm đến những “lợi ích” thực tiễn, vì trước sau gì những lợi ích ấy cũng sẽ đến. Hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã giúp họ sẵn lòng chi tiền cho khoa học cơ bản. Trước chiến tranh, khi
được hỏi về khả năng ứng dụng thực tiễn của năng lượng nguyên tử, cả ba vị tổ
sư đều “lắc đầu”. Einstein chỉ lên Mặt trời, ở đó có nguồn năng lượng vĩ đại và
bất tận theo đúng công thức E = mc2 của ông. Bohr và Rutherford thì cho rằng
nguồn năng lượng vĩ đại trong lòng hạt nhân không thể khai thác được bởi các
phản ứng hạt nhân đều thu, chứ không phát, năng lượng (chỉ sau 1938 mới tìm ra
phản ứng phân hạch uranium phát năng lượng). Cả ba vị tổ sư đều sai lầm khi chính
họ không ngờ rằng các phát minh của mình lại có thể có ứng dụng thực tiễn. Bài
học này càng thúc đẩy khoa học cơ bản lên ngôi đầy tư thế sau Chiến tranh Thế
giới thứ II. Có thể nói, trong thời chiến tranh lạnh hai cuộc chạy đua vũ trang
và chạy đua về khoa học cơ bản chẳng khác nào như hình với bóng. Ở cả hai phe,
những khối óc lớn tham gia chiến tranh đã quay lại đời thường với những dự án
khoa học mủi nhọn. Khoa học lớn (big science) ra đời với những tập thể nghiên
cứu đông đảo xoay quanh những thiết bị rất đồ sộ và tốn kém làm thay đổi diện
mạo khoa học thế giới. Nhưng xoay quanh trục quốc phòng không khỏi làm cho nền khoa
học Liên Xô mất cân đối. Nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng thiết
yếu cho người dân bị khoa học xem nhẹ. Chất xám và nguồn lực tập trung vào một
số ngành mũi nhọn liên quan nhiều đến toán và vật lý. Số người đoạt giải Nobel
đều tập trung vào ngành vật lý, chỉ có hai người thuộc ngành hóa học (nhưng
cũng là hóa lý) và y – sinh.
Bao giờ dựng lại cơ đồ?
Đầu thập kỷ 1960, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev hô hào nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa cộng sản, nhưng trước hết phải đuổi kịp Mỹ về thịt và sữa. Song cũng
chính từ đó hai nhu yếu phẩm này ngày càng khan hiếm. Nông nghiệp vốn lạc hậu
bởi cơ chế tập thể hóa không kích thích sản xuất và nhóm học phiệt Lysenko
thống trị trong một thời gian dài, lại không được đầu tư nghiên cứu đúng mức,
nên ngày càng tụt hậu.
N. Khrushchev cũng phê phán mạnh mẽ sự tách rời giữa nghiên cứu cơ bản với ứng
dụng thực tiễn, giữa khoa học và giáo dục đại học, do đó đã tạo nên những sự
trùng lặp gây lãng phí lớn cho nguồn lực quốc gia. Nhưng những thay đổi nhân sự
Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô để thực hiện những ý tưởng của N. Khrushchev vẫn
không mang lại hiệu quả. Có những nguyên nhân sâu xa hơn nằm trong bản chất của
mô hình kế hoạch hóa tập trung lại bị chi phối bởi những giáo lý tín điều.
Khoa học - công nghệ Liên Xô không ra được thị trường, bởi chính “thị trường”
được kế hoạch hóa từ bên trên. Liên Xô có
những nhà toán học hàng đầu đặt nền móng cho lý thuyết xác suất thống kê. Nhưng
khoa học về các hiện tượng “ngẫu nhiên” ấy hầu như không có chỗ đứng ở Liên Xô
khi từ trên xuống dưới, từ thượng nguồn đến hạ nguồn khoa học - công nghệ, đều
được chỉ huy và kế hoạch hóa. Ngược lại, xác suất thống kê nằm trong bản chất
của thị trường tự do với vô số chủ thể độc lập không hề có ở Liên Xô. Bởi thế,
các lý thuyết của Markov, Kolmogorov, Smirnov không có đất ứng dụng, những phát
minh của họ đã được các học giả phương Tây sử dụng cho những công trình nghiên
cứu ứng dụng rất thành công của mình. Xác suất thống kê đã trở thành công cụ
khoa học thiết yếu của mọi ngành kinh tế xã hội nhất là khi máy tính phổ cập
như hiện nay. Khoa học statistics (thống kê học), bắt nguồn từ chữ state là
quốc gia, nói lên vai trò của nó trong quản lý đất nước. Nó không có chỗ đứng
trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Mô hình khoa học Liên Xô bị xơ cứng và dị ứng trước những phát minh khoa học bị
xem như đi ngược với ý thức hệ mác xít. Trong thời kỳ đầu sau cách mạng, thuyết
tương đối và lượng tử bị phê phán mạnh. Đến thập kỷ 1950 khi điều khiển học
(cybernetics) ra đời ở Mỹ nhằm nghiên cứu cấu trúc các hệ thống điều khiển, từ
các hệ thiết bị cho đến thần kinh cao cấp, giới tư tưởng Liên Xô xem đây là
“khoa học giả hiệu (ljy nauka), bị bọn duy tâm lợi dụng, đi ngược lại duy vật
biện chứng”, hay “một thứ khoa học phản động, công cụ của đế quốc”. Tạp chí
Triết Học hàng đầu Liên Xô Voprosi Philosophy (Những vấn đề triết học, số 5,
trang 218, 1953, ) còn lên án: “Điều khiển học là một trong những khoa học giả
hiệu do chủ nghĩa đế quốc hiện đại bày ra nên sẽ không tránh khỏi số phận tiêu
vong, còn sớm hơn cả sự diệt vong của chính bản thân chủ nghĩa đế quốc”
N. Khrushchev lên nắm quyền cuối thập kỷ 1950, sang đầu thập kỷ 1960 bản án
“điều khiển học” mới bị xóa bỏ. Giới tư tưởng Liên Xô lại quay ngoắt 180 độ:
“điều khiển học là khoa học phục vụ đắc lực cho chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng Liên
Xô đã lỡ nhịp trong điều khiển học và việc này mở đầu cho quá trình tụt hậu về
nhiều ngành khoa học công nghệ hiện đại như tự động hóa, máy tính, sinh học,
quản lý xã hội và cả trong quốc phòng. Không phải những học giả hàng đầu Liên
Xô không nhận ra vai trò của điều khiển học, nhưng họ có thể làm gì trước những
tín điều ý thức hệ chi phối toàn bộ hệ thống khoa học. Cuộc chiến Trung Đông
đầu thập kỷ 1970 đánh dấu một bước ngoặt đối với khoa học thế giới trước viễn
cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Quá ỷ lại vào nguồn tài nguyên thiên
nhiên “vô tận” của mình, khoa học Liên Xô hầu như ngủ quên giữa ban ngày trước
những biến đổi khởi đầu một thời đại văn minh mới của nhân loại, trong đó tiện
ích cuộc sống ngày càng tăng về chất và lượng nhưng nhu cầu năng lượng cho các
tiện ích ấy lại giảm.
Đó là nhờ có xu thế tiểu vi hóa các linh kiện điện tử để có thể nhét ngày càng nhiều các transistor vào một con chip trong các máy tính (và
điện thoại di động).
Trước
thập kỷ 1960, các thiết bị điện tử sử dụng transistor bán dẫn, mỗi chiếc to
bằng đầu đũa. Năm 1971 con chip vi xử lý Intel 4004 đầu tiên ra đời ở Mỹ nhét
được 2300 transistor trên một diện tích 3x4 mm2. Đến nay người ta đã có thể
nhét được ngót một tỷ transistor trong một con chip. Cuộc hành trình ngoạn mục
này đã mang lại bao nhiêu tiện ích cho con người ngày nay. Nếu các transistor
bán dẫn những năm đầu 1960 còn tồn tại đến bây giờ, liệu người ta phải xây bao
nhiêu nhà máy điện mới đủ cung cấp cho máy tính trong một văn phòng hiện đại
ngày nay? Liên Xô hầu như đứng ngoài cuộc. Họ không
thiếu những chuyên gia giỏi về vật lý bán dẫn, nhưng trong cơ chế ấy không thể
xuất hiện những người như Noyce (Norton) và Moore dám dấn thân tách ra khỏi
phòng thí nghiệm hàn lâm để khởi nghiệp, lập ra Intel với con chip 4004 đầu
tiên. Liên Xô lại không có một cơ sở hạ tầng khoa học-công nghệ-công nghiệp-thị
trường hoàn chỉnh như ở Mỹ để cho mật độ transistor trong con chip tăng lên
theo cấp số nhân (hàm mũ), cứ sau 18-24 tháng lại tăng gấp đôi, theo một định
luật nổi tiếng do chính Moore tiên đoán. Hậu quả là dù rất giỏi toán và vật lý,
nhưng công nghiệp máy tính của Liên Xô (và Nga sau này) rất yếu kém, thậm chí
còn kém hơn một số nước và vùng lãnh thổ mới trỗi dậy như Đài Loan, Hàn Quốc.
Trong khi đó, tiêu thụ điện năng lãng phí nhất thế giới. Năm 2002, để nền kinh
tế làm ra 1 USD, Nga và sáu nước SNG thuộc Liên Xô cũ phải tiêu thụ trung bình
2,8 kWh điện, nhiều gấp 8 lần các nước kỹ nghệ phương Tây. Liên Xô tỏ ra hụt hơi
trong cuộc chạy đua với Mỹ khi Tổng thống Ronald Reagan phát động « cuộc chiến giữa
các vì sao » vào thập kỷ 1980. Bao nhiêu cải tổ từ bên trong dưới thời Tổng
thống M. Gorbachev đều không cứu vãn nổi nền kinh tế và khoa học Liên Xô. Thảm
họa hạt nhân Chernobyl
năm 1986 như một hồi chuông báo trước màn chót của một thử nghiệm lịch sử kéo
dài hơn 70 năm. Những nhà khoa học Nga lại bỏ nước ra đi! Phương Tây hưởng lợi
mà không mất gì. Còn nước Nga . Bao giờ mới dựng lại được cơ đồ khoa học đã
từng một thời huy hoàng?
Theo GS Phạm Duy Hiển - Tạp chí Tia sáng ngày
16/9/2010
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét